9 Lời khuyên dành cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu đời

Đối với trẻ sơ sinh, 7 ngày đầu tiên sau khi chào đời là khoảng thời gian rất quan trọng, đây là khoảng thời gian trẻ có nguy cơ tử vong cao nếu không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách. Không chỉ vậy, thời gian này cơ thể mẹ còn chưa hồi phục cả về cơ thể và tinh thần nên khá nhạy cảm. Để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh và nhanh chóng “làm quen” với nhau. Mẹ nên chú ý một số vấn đề sau:

anh-web
1. Cho trẻ bú sữa non
Sữa non ít và vô cùng quý giá. Đây là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho một em bé sơ sinh nên mẹ cần cho bé bú sớm nhất có thể trong vòng 24 giờ đầu. Theo nghiên cứu thì trong vòng 3 ngày sau khi sinh, lượng IgA trong sữa mẹ cao gấp hàng nghìn lần so với sữa thông thường. 1cm3 sữa non có chứa đến 4.000 bạch cầu, uống sữa non sẽ giúp trẻ có sức đề kháng tốt để tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong đường ruột. 
Các bé được bú sữa non ngay sau khi sinh có tỷ lệ mắc viêm phổi và tiêu chảy thấp hơn nhiều so với trẻ không được dùng sữa mẹ. Chính vì thế, các bà mẹ không nên vắt sữa non bỏ đi mà nên tận dụng triệt để lượng sữa non này cho trẻ. 
2. Cho trẻ bú thường xuyên
Khi rời xa môi trường ấm áp, đầy đủ dinh dưỡng trong bụng mẹ, trẻ rất có thể bị đói và lạnh hơn do cần nhiều năng lượng để chống chịu với môi trường bên ngoài. Mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú ngay khi trẻ có biểu hiện muốn bú bất cứ lúc nào trẻ thấy đói. Trẻ có thể bú ít trong mỗi lần thì cũng không nên ép trẻ bú thêm. Nên cho trẻ bú hoàn toàn.
3. Giữ ấm vừa đủ
Trẻ sơ sinh cần được giữ ấm nhưng không chỉ vừa đủ để trẻ cảm thấy an toàn và ấm áp. Không nên quấn trẻ quá chặt với những chiếc khăn dày khiến trẻ nóng nực, khó chịu.
4. Giữ vệ sinh tốt
Vừa từ môi trường kín (trong bụng mẹ) ra môi trường bên ngoài với nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Do đó, để trẻ khỏe mạnh cần chú ý giữ vệ sinh, nhất là khi bé ướt tã, đi đại tiện hoặc nôn trớ. Trẻ cũng nên được tắm hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời mẹ cũng cần vệ sinh cơ thể và môi trường ở sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn sang con.
5. Khi trẻ có biểu hiện lạ
Khi trẻ có biểu hiện lạ: vàng da, quấy khóc không ngừng, bỏ bú, ngủ li bì… cần lắng nghe lời khuyên của bác sĩ chuyên gia. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc bất cứ sản phẩm nào ngoài sữa mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
6. Trẻ không cần uống thêm nước
Trong sữa mẹ có khoảng 88% nước, cung cấp đầy đủ các chất lỏng mà em bé cần. Do đó, trẻ bú sữa mẹ không cần phải bổ sung thêm nước. Ngay cả khi trời nóng và khô, bé cũng đã nhận đủ các chất lỏng cần thiết thông qua sữa mẹ.
Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước có thể cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột. Kích thước dạ dày trẻ sơ sinh còn rất nhỏ. Việc uống thêm nước sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ. Bé được cho uống một lượng nước dù nhỏ cũng gây đầy bụng và không còn thèm sữa như trước. Do đó, lượng hấp thu sữa cũng giảm. Cho uống nước đường trong tuần đầu còn gây sụt cân và bệnh tật về sau con sẽ cảm thấy đầy bụng và không muốn uống thêm sữa nữa.
7. Chú ý đến chế độ ăn uống của mẹ
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ đang nuôi con bú khá cao, thậm chí cao hơn so với thời kỳ đang mang thai vì bà mẹ mất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng qua việc mất máu khi chuyển dạ, sản xuất sữa non và sữa nuôi con ngay sau khi sinh. Để có nguồn sữa chất lượng cho con, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, đủ chất. Không nên kiêng quá nhiều thực phẩm làm ảnh hưởng đến sữa.
8. Giữ tinh thần lạc quan
Dù gặp bất cứ vấn đề gì mẹ cũng nên giữ cho bản thân một tinh thần lạc quan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn sữa, cảm xúc giữa mẹ và bé và đặc biệt sức khỏe của mẹ. Mẹ nên nhờ người thân giúp đỡ trong quá trình chăm sóc em bé và nghỉ ngơi nhiều hơn.
9. Tình yêu của mẹ là quan trọng nhất
Đối với trẻ, tình yêu của ba mẹ là quan trọng nhất. Dù mới sinh, em bé đã cảm nhận được tình cảm của mẹ, đây sẽ là sợi dây nối mẹ và bé đồng thời là dòng suối tưới mát tâm hồn trẻ. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ ngay từ những ngày đầu tiên bằng tình yêu của mẹ. Thường xuyên gọi tên, giao tiếp với bé là 1 trong những cách mẹ thể hiện tình cảm với con.

Các câu hỏi liên quan. Xem thêm !